Tin tức - Sự kiện

ICTU tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc tế ICTA 2024

Ngày 16-17/11/2024, trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông – Đại học Thái Nguyên (ICTU) đã phối hợp với Trường Đại học Hùng Vương (HVU) tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc tế ICTA 2024. Đây là lần thứ 3 hội thảo được tổ chức với chủ đề “Những vấn đề mới trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và Truyền thông”, thu hút sự quan tâm của cộng đồng học thuật trong nước và quốc tế.

Toàn cảnh Hội thảo

Diễn đàn kết nối các chuyên gia và nhà nghiên cứu quốc tế
Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ, nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin và Truyền thông gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt về hiện trạng, giới thiệu về các hoạt động và kết quả nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội hợp tác, giới thiệu những giải pháp kỹ thuật công nghệ mới, liên kết đẩy mạnh phát triển ứng dụng Công nghệ Thông tin và Truyền thông phục vụ cuộc sống. Hội thảo thu hút nhiều đối tác uy tín như Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản (JAIST), Đại học Kyonggi (Hàn Quốc) và trường MSEUF (Philippines)…

PGS. TS Phùng Trung Nghĩa – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên​ phát biểu tại hội thảo.

PGS.TS Phùng Trung Nghĩa, hiêu trưởng trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, đồng Chủ tịch Hội thảo ICTA 2024, nhấn mạnh tầm quan trọng của hội thảo trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế chuyển đổi số toàn cầu. Các giải pháp công nghệ mới được thảo luận tại hội thảo không chỉ hướng đến đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội mà còn chú trọng đến tác động môi trường trong thời kỳ chuyển đổi số.
Nhiều đóng góp trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và Truyền thông

BTC đã nhận được hơn 200 bài báo khoa học chất lượng cao với nội dung phong phú, góc nhìn đa dạng.

Sau gần 9 tháng phát động, hội thảo đã nhận được 211 bài báo khoa học từ các tác giả thuộc 6 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 113 bài xuất sắc được chọn xuất bản trong kỷ yếu của nhà xuất bản Springer uy tín; 3 bài được chọn đăng trên Tạp chí thông tin và Truyên thông (MIC). Chương trình được tổ chức chuyên nghiệp với 2 báo cáo Keynotes và 30 báo cáo chuyên đề, bao quát nhiều lĩnh vực từ cơ sở toán học trong tin học đến các ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Trong phiên toàn thể, hai báo cáo viên GS. Kwanghoon Pio Kim và GS.TS Hồ Tú Bảo đều tập trung khai thác tầm quan trọng của việc áp dụng các phương pháp phân tích dữ liệu và tối ưu hóa quy trình để giải quyết các vấn đề kinh doanh phức tạp.

Theo đó, GS.TS Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu Cao cấp Về Toán (VIASM), đã trình bày về tầm quan trọng của việc đào tạo phân tích kinh doanh. GS.TS Hồ Tú Bảo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo các thế hệ chuyên gia có khả năng tập trung vào khai thác dữ liệu, lập mô hình và phân tích, nhằm giải quyết các vấn đề phức tạp, đảm bảo cải thiện các quyết định kinh doanh thông qua sự thành thạo với các công cụ thống kê và lập trình (ví dụ: R, Python, v.v.)…
Liên quan đến việc tối ưu hóa quy trình kinh doanh, nghiên cứu của GS. Kwanghoon Pio Kim tập trung vào khai thác quy trình (process mining) để quản lý hiệu quả vòng đời quy trình kinh doanh. Ông giới thiệu một phương pháp mới kết hợp dữ liệu nhật ký sự kiện từ các hệ thống quản lý quy trình để khám phá các mô hình quy trình hoàn chỉnh, dựa trên lý thuyết Structured Information Control Nets (SICN) và thuật toán mở rộng 𝜌-Algorithm. Mục tiêu của nghiên cứu là phát hiện sự khác biệt giữa mô hình quy trình lý thuyết và thực tế, từ đó giúp tái cấu trúc và tối ưu hóa quy trình, đặc biệt đối với những quy trình có quy mô lớn và phức tạp.

Tại hội thảo các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề mới trong lĩnh vực CNTT&TT

Sau phiên toàn thể, hội thảo tiến hành 30 phiên chuyên đề, với các bài báo cáo về nhiều chủ đề khác nhau như xử lý ảnh, trí tuệ nhân tạo (AI), sinh học tính toán, cơ điện tử và tự động hóa, kỹ thuật điện, điện tử, và ứng dụng công nghệ thông tin… trong phát triển kinh tế – xã hội.
Về trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông

Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu thị trường và phù hợp chiến lược phát triển quốc gia, thực hiện trách nhiệm xã hội và phục vụ cộng đồng.


Với tiềm lực nghiên cứu mạnh gồm 7 nhóm nghiên cứu, 4 phòng Lab và 1 trung tâm phát triển phần mềm, ICTU khẳng định vị thế trong nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Trong 5 năm qua, Trường đã chủ trì thực hiện thành công 3 dự án quốc tế, 2 dự án cấp nhà nước, 16 dự án cấp bộ/tỉnh và 10 chương trình chuyển giao công nghệ. Năng lực nghiên cứu quốc tế được ghi nhận qua 316 công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín cùng việc tổ chức thành công nhiều hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế trong 3 năm qua.Đội ngũ các nhà khoa học của ICTU đang triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu, đề tài, dự án cấp nhà nước, cấp bộ ngành, cấp đại học và quốc tế liên quan đến các vấn đề công nghệ quan trọng như: khoa học dữ liệu; trí tuệ nhân tạo (AI); thực tại ảo/thực tại tăng cường (VR/AR); xử lý ảnh/video; an toàn thông tin; blockchain; Internet vạn vật (IoT); hệ thống nhúng; thiết kế vi mạch
Với vai trò Chủ tịch chi hội Khoa-Viện-Trường CNTT&TT (FISU) khu vực Duyên hải-Trung du-Miền núi phía Bắc, ICTU có khả năng quy tụ đội ngũ chuyên gia về công nghệ thông tin và truyền thông để thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số. Một số hoạt động chuyển đổi số chính Nhà trường đã và đang hợp tác triển khai cho tỉnh Thái Nguyên và khu vực trung du – miền núi phía Bắc:
Thực hiện nhiều đề tài, nhiệm vụ xây dựng chính quyền số: Xây dựng các bộ cơ sở dữ liệu trực tuyến, xây dựng chatbot hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ tra cứu văn bản hành chính, pháp luật,…, đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyển đổi số cho gần 1000 lượt cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Thái Nguyên, Hà Giang, Lào Cai,..;


Thực hiện nhiều đề tài, nhiệm vụ phát triển xã hội số: Mô phỏng, số hóa các di sản văn hóa và di tích, khu du lịch tại nhiều tỉnh như Thái Nguyên (di tích Thanh niên xung phong 915), Điện Biên (di tích Đồi A1), Yên Bái (Bảo tàng thực tế ảo), Sơn La (di tích Nhà tù Sơn La),…, chuyển đổi số phương pháp giảng dạy, đánh giá một số môn học tiếng Anh và STEM thí điểm cho một số trường phổ thông,…;

Thực hiện nhiều đề tài, nhiệm vụ phát triển kinh tế số như xây dựng các sàn giao dịch điện tử, các bộ công cụ, giải pháp hỗ trợ kinh doanh trực tuyến, tập huấn cho hàng nghìn lượt người dân về thương mại điện tử và truyền thông thương hiệu cá nhân tại Thái Nguyên, Hà Giang, Lào Cai;

2021

Chia sẻ: