Ra mắt Chi hội FISU khu vực duyên hải – trung du và miền núi phía Bắc
Ngày 13/12, Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Lễ ra mắt Chi hội FISU khu vực duyên hải – trung du và miền núi phía Bắc.
Tham dự chương trình có TS. Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội tin học Việt Nam; GS.TS Nguyễn Thanh Thủy- Chủ tịch CLB FISU Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chức danh GS Nhà nước ngành CNTT; Đại diện Lãnh đạo các Trường thành viên Chi hội FISU khu vực duyên hải – trung du và miền núi phía Bắc.
Về phía Đại học Thái Nguyên có PGS.TS Nguyễn Hữu Công, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên; TS Nguyễn Văn Tảo, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông; PGS.TS Phùng Trung Nghĩa, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông; đại diện lãnh đạo các khoa, giảng viên và sinh viên nhà trường.
Nhằm tận dụng thế mạnh của các thành viên, chia sẻ nguồn lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, chất lượng đào tạo, góp phần phát triển kinh tế – xã hội khu vực duyên hải – trung du và miền núi phía Bắc, trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Ban vận động kết nối mạng lưới 13 trường đại học cùng tham gia chi hội FISU.
Chi hội hoạt động thông qua các nội dung: Hợp tác phát triển chương trình đào tạo, hợp tác về nghiên cứu khoa học, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong đánh giá và kiểm định chương trình. Chia sẻ nguồn lực phục vụ đào tạo (bao gồm cả nguồn lực con người và tài nguyên, học liệu), hợp tác tư vấn chính sách CNTT&TT cho các địa phương, tham gia hoạt động chuyển đổi số trong khu vực.
Phát biểu tại chương trình, PGS.TS Phùng Trung Nghĩa, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông khẳng định: Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông là một đơn vị thành viên thuộc Đại học Thái Nguyên, trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ lĩnh vực CNTT&TT cho khu vực và đất nước, tạo được dấu ấn trên bản đồ CNTT&TT Việt Nam.
PGS.TS Phùng Trung Nghĩa cho rằng chi hội FISU sẽ là nơi tụ hội, kết nối, định hướng, chia sẻ về đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT & TT, mang lại lợi ích chính đáng cho các thành viên. Qua đó, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.
Phát biểu chúc mừng chi hội, TS. Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội tin học Việt Nam nhấn mạnh đến vai trò và tầm quan trọng của chi hội FISU khu vực duyên hải – trung du và miền núi phía Bắc.
Tổng thư ký Hội tin học Việt Nam bày tỏ mong muốn các thầy cô, đặc biệt là 13 trường thành viên sẽ cố gắng, nỗ lực đưa chi hội hoạt động thực chất, hiệu quả. Hội tin học Việt Nam cam kết sẽ ủng hộ, hỗ trợ mọi nguồn lực để chi hội sớm phát triển cùng với các khu vực khác.
Tại chương trình, đã bầu trực tiếp ban chấp hành (BCH) chi hội FISU Khu vực khu vực duyên hải – trung du và miền núi phía Bắc khóa I nhiệm kỳ 2022 – 2025 với 7 thành viên. Trong đó, PGS.TS Phùng Trung Nghĩa – Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông được bầu làm Chủ tịch; 4 Phó Chủ tịch Hội gồm TS Đặng Thái Sơn – Trường Đại học Vinh; PGS.TS Phạm Thế Anh – Trường Đại học Hồng Đức; PGS.TS Lê Đắc Nhường – Trường Đại học Hải Phòng; TS Nguyễn Văn Hậu – Trường Đại học Hưng Yên. Ban Thư Ký với 2 thành viên là TS Nguyễn Hải Minh – Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông và TS Phạm Thanh Huyền – Trường Đại học Hạ Long.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, BCH chi hội đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp, định hướng xây dựng và phát triển chi hội trong nhiệm kỳ tới, đồng thời ký kết biên bản thỏa thuận giữa các thành viên.
Câu lạc bộ Khoa-Trường-Viện Công nghệ Thông tin – Truyền thông Việt Nam (tên quốc tế theo tiếng Anh là Vietnam Club of Faculties-Institutes-Schools-Universities of ICT, viết tắt là FISU), là một Chi hội thuộc Hội Tin học Việt Nam, thành lập năm 2018, được các thành viên tự nguyện thành lập trên cơ sở tiếp thu và chia sẻ các tư tưởng của cộng đồng đào tạo và nghiên cứu CNTT – TT tại Việt Nam.
FISU được thành lập với mong muốn là nơi tụ hội, kết nối, định hướng, chia sẻ về đào tạo và nghiên cứu, để có tiếng nói chung tham gia vào các hoạt động phát triển giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT – TT của nước nhà, mang lại lợi ích chính đáng cho các thành viên, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội, góp phần đưa Việt Nam sánh vai các cường quốc CNTT-TT trên thế giới.
Theo báo Giáo dục và Thời đại