Tin tức - Sự kiện

Hệ thống phần mềm chụp ảnh ảo: Bước tiến mới trong đào tạo kỹ thuật nhiếp ảnh

Ngày 11/4, Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông đã tổ chức họp Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở: “Hệ thống thực hành kỹ thuật chụp ảnh dựa trên công nghệ mô phỏng thực tại ảo” do TS. Đỗ Thị Bắc làm chủ nhiệm. Dưới sự chủ trì của TS. Vũ Đức Thái (Chủ tịch Hội đồng), các thành viên đã nghe TS. Đỗ Thị Bắc trình bày tóm tắt các nội dung của đề tài.

Nhiệm vụ xác định mục tiêu chuyển đổi một phần các nội dung học tập liên quan tới kỹ thuật nhiếp ảnh thành thực hành ảo. Từ đó đảm bảo các yếu tố về tiến trình học tập của sinh viên dựa trên các ưu thế của hệ thống thực hành ảo. Xây dựng phần mềm thực hành chụp ảnh ảo dựa trên công nghệ mô phỏng, thực tại ảo.

Từ mục tiêu đề ra, sau gần 1 năm triển khai nhóm thực hiện nhiệm vụ đã bắt tay vào nghiên cứu tổng quan, đánh giá thực trạng, thu thập thông tin, tài liệu, dữ liệu; xử lý số liệu, phân tích thông tin, tài liệu, dữ liệu hoàn thiện xây dựng 01 hệ thống phần mềm chụp ảnh ảo.

Nhiệm vụ mang đến giải pháp sáng tạo cho việc giảng dạy học phần “Kỹ thuật quay phim và nhiếp ảnh” tại khoa Nghệ thuật và Truyền thông, mở ra nhiều lợi ích thiết thực:

  • Quản lý sinh viên hiệu quả: Hệ thống hỗ trợ theo dõi, quản lý hoạt động học tập, giảm thiểu nguy cơ khi thực hành bên ngoài.
  • Giải quyết hạn chế về không gian, thời gian và thời tiết: Sinh viên có thể thực hành mọi lúc mọi nơi, bất chấp điều kiện khách quan.
  • Hỗ trợ xu hướng học tập trực tuyến: Hệ thống đáp ứng xu hướng giáo dục hiện đại, thích ứng với các tình huống bất lợi như dịch bệnh.
  • Tiết kiệm chi phí: Giảm chi phí mua sắm, bảo trì thiết bị cho nhà trường và chi phí thực hành cho sinh viên.
  • Phục vụ chiến lược đào tạo từ xa: Hệ thống hỗ trợ chương trình đào tạo từ xa, mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho sinh viên trên toàn quốc.

Nhờ những ưu điểm vượt trội, hệ thống phần mềm chụp ảnh ảo hứa hẹn sẽ nâng cao chất lượng giảng dạy, tăng cường tương tác và tạo hứng thú học tập cho sinh viên, góp phần hiện đại hóa giáo dục lĩnh vực Nghệ thuật và Truyền thông trong thời đại công nghệ số.

2021

Chia sẻ: