ICTU trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng mô hình tự chủ đại học tại Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng
Để xây dựng lộ trình tự chủ Đại học phù hợp với yêu cầu, xu thế và điều kiện thực tiễn của Trường đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông – Đại học Thái Nguyên (ICTU), từ ngày 26-28/4/2022 đoàn công tác của ICTU đã làm việc cùng Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) và Trường Đại học Bách Khoa (ĐHBK) thuộc Đại học Đà Nẵng để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng mô hình tự chủ đại học theo nghị định số: 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Trường Đại học Kinh tế và Trường Đại học Bách Khoa thuộc Đại học Đà Nẵng là 2 trường thuộc Đại học vùng đầu tiên thực hiện tự chủ cho đến nay.
Đại diện ICTU làm việc tại trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng
Tham dự buổi làm việc, về phía trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đại diện gồm có: PGS.TS Nguyễn Đình Lâm – Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu Trưởng các lãnh đạo đơn vị trong trường, về phía trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng đại diện gồm có: PGS.TS. Trần Đình Khôi Nguyên – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS. Nguyễn Mạnh Toàn – Hiệu trưởng; PGS.TS Lê Văn Huy – Phó Hiệu trưởng và các lãnh đạo đơn vị trong trường, về phía trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông – Đại học Thái Nguyên đại diện gồm có: TS Nguyễn Văn Tảo – Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS.TS Phùng Trung Nghĩa – Hiệu Trưởng các lãnh đạo đơn vị trong trường.
Đại diện ICTU làm việc tại trường Đại học Kinh tế – ĐH Đà Nẵng
Tại buổi thảo luận, đoàn làm việc của ICTU đã phân tích, đánh giá thực trạng đáp ứng của nhà Trường tương ứng với các điều kiện của Tự chủ đại học trong 3 nội dung chính của Tự chủ đại học (Tổ chức nhân sự; Hoạt động chuyên môn, học thuật; Tài chính, tài sản). Bên cạnh đó cũng tóm tắt qua các nội dung công việc quan trọng cần thực hiện trong thời gian tới cũng như các chủ đề thảo luận để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng Tự chủ đại học.
Trường ĐHBK và ĐHKT thuộc ĐHĐN ủng hộ ICTU thực hiện Tự chủ đại học. Với thực trạng hiện tại và tiềm năng của mình, ICTU có thể thực hiện thành công Tự chủ về tài chính ở mức 2 (Tự chủ tự đảm bảo chi thường xuyên).
Theo mô hình Đại học vùng, việc tự chủ đại học phụ thuộc vào quy chế tổ chức, hoạt động của Đại học vùng, trong đó Đại học vùng phân quyền, cho phép trường thành viên những quyền gì. Để trường thành viên tự chủ thành công cần có được sự ủng hộ cao của Đại học vùng cũng như sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng ủy, Hội đồng Trường, Ban giám hiệu và cán bộ chủ chốt của Trường.
Về phía nhà trường, ICTU cần sớm hoàn thành các điều kiện cứng của Tự chủ Đại học: Kiểm định chất lượng Nhà trường; Đánh giá CTĐT; Ban hành chính thức Quy chế tài chính; Thực hiện phân quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đến từng đơn vị, cá nhân trong cơ sở giáo dục đại học. Bên cạnh có cần có nguồn kinh phí tích lũy đủ để duy trì các hoạt động của Trường trong thời gian ít nhất khoảng 2-3 năm kể từ khi chính thức thực hiện tự chủ Đại học. Chuẩn bị sẵn các phương án về kinh phí cho các tình huống phát sinh khi thực hiện tự chủ đại học.
Đảm bảo được quy mô tuyển sinh hàng năm ở mức tăng dần (hoặc ít nhất ổn định khoảng 2000 sinh viên/năm), tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo và phục vụ người học, phát triển số lượng các chương trình đào tạo chất lượng cao, tăng quy mô sinh viên (đặc biệt là các CTĐT chất lượng cao), thực hiện chuyển đổi số trong quản trị, điều hành, giảng dạy, học tập.
Song song đó, ICTU cần xây dựng và thực hiện Đề án vị trí việc làm, đánh giá chất lượng hiệu quả công việc bằng các công cụ hiện đại như KPIs,… đồng thời xây dựng kế hoạch để nâng cao chất lượng đội ngũ, đặc biệt là số lượng cán bộ trình độ cao.
Cuối buổi làm việc các bên thống nhất duy trì kênh liên lạc thường xuyên để trao đổi, thảo luận thêm về các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện đề án tự chủ đại học.