Tin tức - Sự kiện

Sinh viên ICTU với An toàn thông tin ASEAN năm 2022

Vòng sơ khảo cuộc thi Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN năm 2022 là cuộc đua tài của 112 đội đến từ 46 trường đại học của 7 nước trong khu vực gồm Indonesia, Malaysia, Campuchia, Singapore, Lào, Thái Lan và chủ nhà Việt Nam trong đó có 04 sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICTU) cùng tham gia.

Là cuộc thi do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) chủ trì, phối hợp với Cục Công nghệ thông tin – Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, “Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN” năm 2022 hướng tới phát hiện cac tài năng trong lĩnh vực an toàn thông tin, thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về an toàn thông tin và tạo sân chơi để tăng cường khả năng giao lưu, trao đổi kiến thức của sinh viên các trường đại học, học viện kỹ thuật trong các nước ASEAN. Đây là năm thứ 15 cuộc thi được tổ chức tại Việt Nam và là lần thứ 4 mở rộng cho sinh viên các nước ASEAN khác cùng tham gia.  Vào sáng ngày 15/10, vòng sơ khảo, vòng thứ 2 của cuộc thi đã chính thức khai mạc, với sự góp mặt của 112 đội sinh viên, gồm 72 đội từ 29 trường đại học và học viện của Việt Nam và 40 đội thuộc 17 trường của 6 nước ASEAN khác là Indonesia, Malaysia, Campuchia, Singapore, Lào và Thái Lan.

Cuộc thi được tổ chức thành 3 vòng: Vòng thi khởi động: Tổ chức online – ICTU đăng ký 3 đội tham gia, thi trực tuyến tại Lab Mạng C6; Vòng thi sơ khảo: Tổ chức tại Học viện Kỹ thuật mật mã ngày 15/10, ICTU cử 1 đội gồm 04 sinh viên tham gia; Vòng thi chung khảo: Thi Onsite ngày 05/11/2022.

Tại vòng thi sơ khảo, các đội sẽ thi thực hành an toàn thông tin theo hình thức vượt qua thử thách theo chủ đề (Jeopardy) trong vòng 8 giờ.

Đề thi gồm các thử thách thuộc các lĩnh vực:  Web application – Khai thác các lỗ hổng ứng dụng web (SQL injection, XSS, Session Hijacking…); Reverse engineering – Dịch ngược mã nguồn phần mềm, unpack các packer bảo vệ mã nguồn; Pwnable – Tìm lỗi, khai thác các lỗ hổng trong các ứng dụng server, phần mềm, hoặc đoạn mã (ví dụ: buffer overflow, viết shellcode, format string…); Crypto/ACM – Giải mã string, giải thuật, phân tích thuật toán, lập trình thuật toán…

Đến với cuộc thi , sinh viên ICTU đã được khơi dậy niềm say mê nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức trong lĩnh vực an toàn thông tin của sinh viên cũng như phản ánh rất sát về nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực an toàn thông tin tại các doanh nghiệp và công ty hiện nay.

Tại ICTU, bộ môn Mạng & An toàn thông tin thuộc Khoa Công nghệ thông tin vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của Câu lạc bộ An toàn thông tin của trường, các bạn sinh viên yêu thích và đam mê nghiên cứu về bảo mật có thể tham gia để cùng học tập về tìm hiểu. Trong thời gian tới, hi vọng sẽ có thêm nhiều cuộc thi để tạo sân chơi bổ ích dành cho các bạn sinh viên có cùng đam mê về an toàn thông tin mạng trong bối cảnh Việt Nam đang tăng tốc chuyển đổi số để xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

2021

Chia sẻ: